(Chinhphu.vn) – Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người đã đạt khoảng 80% mục tiêu đề ra trong 5 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Francis Donovan. – Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là số liệu được đưa ra  tại Hội nghị giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Đối tác phòng chống cúm gia cầm, ứng phó với đại dịch và các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi giai đoạn 2011 – 2015.

Hội nghị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và tổ chức Đối tác phòng chống Cúm gia cầm và cúm ở người (PAHI) tổ chức hôm nay (21/6).

Đây là chương trình mới tiếp nối Chương trình phối hành động quốc gia phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người mà Chính phủ Việt Nam phối hợp với cộng đồng quốc tế thực hiện tích cực và hiệu quả trong 5 năm qua .

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, trong 5 năm qua, các chiến dịch tiêm phòng gia cầm đại trà đã góp phần giảm thiểu đáng kể số lượng các ổ dịch so với giai đoạn cao điểm bùng phát đại dịch năm 2004, 2005, từ đó giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm ở người và khả năng bùng phát đại dịch ở Việt Nam.

Bên cạnh đó ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ngành Y tế  đã nâng cao năng lực giám sát và ứng phó, xét nghiệm và chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, điều tra dịch tễ học thực địa, cũng như cải tiến cơ sở hạ tầng và cung cấp trang thiết bị hóa chất phục vụ cho công tác.

Chương trình cũng nâng cao nhận thức cộng đồng về cúm gia cầm và các nguy cơ đại dịch, hỗ trợ tổ chức nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về virus cúm gia cầm và các nguy cơ khác, đồng thời tăng cường công tác sẵn sàng ứng phó đại dịch trong ngành Y tế. Điều này được thể hiện khi Việt Nam ứng phó với dịch cúm H1N1 năm 2009.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Hội nghị Bộ trưởng quốc tế phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người (IMCAPI) tổc hức tại Việt Nam tháng 4/2010 đã chỉ ra rằng vẫn còn sự lưu hành của virus cúm gia cầm độc lực cao trên đàn gia cầm.

Hội nghị lần này nhắc lại rằng còn rất nhiều khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt để duy trì những thành tựu đã đạt được trong bối cảnh mối quan tâm của cộng đồng và các nguồn tài trợ quốc tế đang có xu hướng chuyển sang ưu tiên khác.

Thêm vào đó, cần có một cách thức tiếp cận và phối hợp mới để chúng ta có thể giải quyết những nguy cơ dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Ông Francis Donovan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho rằng trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở kinh nghiệm của 5 năm qua, với việc phân bổ nguồn lực hợp lý, Việt Nam sẽ có những ứng xử đúng đắn và kịp thời hơn để ngăn chặn dịch và dập dịch.

Đỗ Hương