Gà lậu, gà loại thải vừa vắng bóng một thời gian lại tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam trong bối cảnh giá gà trong nước vẫn đứng ở mức thấp. Hơn nữa, gà loại thải được nhập khẩu khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Sau một thời gian im ắng, gà loại thải lại ồ ạt vào Việt Nam

Một đêm bắt bốn vụ

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương vào cuộc ngăn chặn gà nhập lậu vừa để giúp ngành chăn nuôi trong nước phục hồi, vừa kiểm soát dịch cúm gia cầm thì bóng gà lậu tưởng chừng sạch bong. Trong tháng 8, nhiều đoàn kiểm tra đã về chợ Hà Vỹ (Thường Tín), chợ đầu mối tập kết gia cầm lớn nhất miền Bắc, đều mừng vì không còn thấy gà loại thải, gà nhập lậu từ bên kia biên giới bày bán. Trong khi trước đó, gà lậu chiếm phần lớn tại chợ đầu mối này. Tuy nhiên, cũng chỉ được chừng 1 tháng, sang tháng 9, gà lậu lại được bày bán khắp các chợ trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo ông Đỗ Đức Hưu, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 2 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh), thời gian gần đây, tình hình buôn gà lậu qua biên giới rất phức tạp. Có đêm, lực lượng liên ngành bắt 4 vụ vận chuyển gà giống và gà loại thải. Ông Hưu cho biết, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có hai đội kiểm soát hải quan, với trách nhiệm chính là chống buôn lậu. Trong đó, đội số 1 đặt tại khu vực Móng Cái, còn đội số 2 được giao kiểm soát, chốt chặn ở khu vực thị xã Cẩm Phả và TP Hạ Long, nơi các xe tải chở gà lậu sẽ vượt qua đây để tỏa đi khắp các địa phương nằm sâu trong nội địa tiêu thụ. “Nhiều tuần phải thức trắng mấy đêm liền để đánh gà lậu. Vừa gà giống nhập về, vừa gà thịt loại thải”, ông Hưu phản ánh.
Lý giải cho tình trạng các đối tượng vẫn lén lún vận chuyển gà lậu về nước, ông Vương Trọng Dũng, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan – Trạm Kiểm soát liên hợp Dân Tiến (TP Móng Cái) phân tích: “Hiện nay, gà Trung Quốc đưa vào TP Móng Cái được bán đổ đầu 100.000 đồng/con chừng 1,5-2kg.  Trong khi để mua gà ta thì phải bỏ ra 180.000-200.000 đồng/con. Do mức chênh lệch quá lớn như thế nên các đầu nậu vẫn cứ lao vào buôn gà lậu về Việt Nam tiêu thụ”.
Cũng vì hám rẻ, từ khoảng tháng 5-2012 đến nay, các đầu nậu còn thi nhau nhập lậu cả gà con (gà giống) của Trung Quốc về Việt Nam. “Trong khi việc ngăn chặn gà thịt thải loại vẫn nan giải thì năm nay lại nổi lên tình trạng nhập lậu ồ ạt gà giống vào nội địa” – ông Dũng chia sẻ. Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, Trạm Kiểm soát liên hợp Dân Tiến đã bắt quả tang 11 vụ vận chuyển và tịch thu 1.300kg gà thịt, 69.000 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc.
Hết gà thải Trung Quốc đến Hàn Quốc
Thực tế này cũng được ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận: “Khi Thủ tướng có công điện về siết chặt gà nhập lậu thì trong tháng 8 chúng ta đã kiểm soát khá tốt, nhất là trên địa bàn Hà Nội. Song, sang tháng 9 thì gà lậu lại ồ ạt tái nhập trở lại”. Theo ông Sơn, cũng do lợi nhuận từ việc buôn gà nhập lậu lớn, nên khi lực lượng chức năng nới lỏng kiểm soát là tình hình buôn lậu lại bùng lên. Ông Sơn nhận định: “Ngoài ra, lực lượng chức năng các địa phương cũng chưa có sự quyết liệt. Chỉ làm nghiêm ngặt trong thời gian đầu khi có công điện, sau đó, lại lơi dần”. Cục Chăn nuôi phản ánh, hiện 90% gà lậu được vận chuyển qua khu vực biên giới Móng Cái, sau đó  tập kết về Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, muốn dẹp được gà lậu ngoài việc siết chặt khu vực biên giới thì các địa phương cũng phải tìm ra được đường dây, đầu nậu để xử lý. Bên cạnh đó, phải xem xét đến trách nhiệm của tất cả các đơn vị liên quan như Thú y, chính quyền địa phương… có làm ngơ cho gà lậu hay không. “Chỉ khi cả dây chuyền cùng vận hành thì mới có kết quả. Còn nếu cứ rời rạc như hiện nay thì không chống được gà lậu, dịch bệnh”, ông Tần nói.
Bên cạnh gà lậu, gà loại thải Trung Quốc, thì gần đây, tình trạng nhập gà thải Hàn Quốc dùng cho gia súc về nước bán cho người tiêu dùng đang diễn ra tại khu vực phía Nam. Ông Sơn cho biết, gà Hàn Quốc được nhập chính ngạch nhưng là gà loại thải. Hơn nữa, gà này dùng để chế biến thức ăn gia súc, về mặt dinh dưỡng gần như không có giá trị. Thực trạng báo động trên khiến ông Tần tỏ ra lo lắng: “Nếu cứ như thế này thì tình hình chăn nuôi Việt Nam sẽ không phát triển được và các trang trại sẽ phá sản. Nếu không kiểm soát tốt việc nhập lậu con giống, nhập lậu gà thịt thì chăn nuôi trong nước có thể bị tê liệt”.

Theo An ninh Thủ đô